Tennis Đông Anh - Có gì mới!

 
Đang tải...

Thắng "Khỉ" - Văn Võ Song toàn

Thảo luận trong 'Các Tay Vợt Hàng Đầu Việt Nam' bắt đầu bởi DATGIA`, 17 Tháng tám 2012.

  1. DATGIA` Administrator

    Số bài viết:
    3,425
    Đã được thích:
    1,276
    Điểm thành tích:
    113
    NTDRP:
    3.0




    Có một quy luật bất thành văn đã từ lâu định hình – rằng “nhất nghệ tinh...”, hiếm có ai đa tài đa nghệ, nhất là những cái “nghệ” đó va nhau chan chát. Điều đó càng rõ trong giới tennis, nhất là cánh “chân đen; có số có má” ; cái lận đận của gió của nắng khổ luyện quần quật trên sân dường như đã lấy hết thời gian tinh lực các đệ tử của trái banh nỉ, biến những miền đất tri thức thành lãnh địa cấm không mấy ai vượt qua được. Thế nên có thể bấm trên đầu ngón tay đọc ra những cái tên văn võ song toàn, cả thể thao lẫn học vấn đều là thứ khiến bạn hữu yêu quý và nể trọng, ở làng tennis “phủi” miền bắc – đó là Thắng “khỉ”

    Xe bus, xẻng cào tuyết và vợt gỗ

    Nếu nói mỗi cao thủ trong làng quần đến với tennis đều là một câu chuyện ít nhiều có... cơ duyên, thì câu chuyện của anh em nhà Vương Vĩnh Thắng (ngày nay được cả làng tennis bắc biết đến với cái tên Thắng “khỉ”) là một câu chuyện nhuốm màu... hội họa và điện ảnh nhất. Bởi lẽ từ trước đến nay, hễ nghe nói đến “xuất ngoại huấn luyện” là người ta liên tưởng đến những cậu ấm con nhà, được “vũ trang” đến tận răng và hưởng điều kiện đào tạo tốt nhất; thế nhưng với cả Thắng khỉ, Cương, Duy (Vũ Đức Cương, Vũ Đức Duy - các cựu thành viên tuyển trẻ HN, anh em họ của Thắng) – thì sân tập đầu tiên là sàn bê tông lồi lõm của một nhà máy bánh mì bỏ hoang, “bảo kiếm” đầu tiên là một cây vợt gỗ đã cũ xứng đáng liệt vào hàng phế phẩm loại thải cái với giá rẻ bèo ở chợ giời Frankfurt (Đức).

    Không giống như những gia đình có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ cho con cái đi du học với kỳ vọng nâng cao chất lượng thế hệ sau bằng con đường giáo dục – gia đình Cương, Duy cuốn theo làn sóng người Việt tìm đường định cư ở Châu Âu vào những năm thập niên 1990 của thế kỷ trước khi chỉ có hai bàn tay trắng; cuộc sống mưu sinh lăn lộn trong những hàng quán bán đồ ăn cũng chỉ đủ cho hai cậu con trai ruột kèm theo một ông anh họ Thắng “khỉ” đầy đủ áo cơm và vui vẻ cắp sách đến trường như bao trẻ nhỏ khác chứ chẳng hơi đâu lưu tâm đến “nhu cầu phát triển thể chất” của con nhà nghèo. Lúc đó, quần vợt ở Châu Âu đã là một bộ môn phát triển hưng thịnh, các kênh truyền hình lớn không bỏ sót bất cứ tin tức nào về những hoạt động của bộ môn này, điều đó đã thổi bùng lên trong trí óc non nớt của những chú bé một niềm say mê mãnh liệt.

    Nói “niềm đam mê mãnh liệt” chắc chắn là không “oan” chút nào cả, bởi ngay đến tận bây giờ, tìm được những đứa trẻ 10 tuổi biết lên kế hoạch, biết định hướng và biết cách sử dụng tối đa những công cụ mình có để theo đuổi niềm đam mê như anh em nhà Thắng “khỉ” là hầu như không có, thậm chí đáng kinh ngạc khi thấy ở lứa tuổi đó lại biết tự đào tạo bản thân một cách hết sức... có đầu với đầy đủ tư duy mạch lạc như những VĐV trưởng thành. Từ những đồng xu tiêu vặt cha mẹ cho ki cóp được, ba chú nhóc tậu một cây vợt gỗ, dăm cuộn băng hướng dẫn luyện tập tennis rồi thay phiên nhau đánh bóng vào tường trong sân nhà máy bánh mì bỏ hoang ở gần nhà; thay phiên nhau quan sát, về nhà tự bật băng hình lên xem, tua đi tua lại rồi chỉnh cho nhau, thế nên có thể nói, “thầy” đầu đời của anh em nhà Thắng “khỉ” chính là bản thân họ, với những bài học vỡ lòng tự ngộ ra từ bức tường, những cuộn băng hướng dẫn – những bước đi mà chỉ những cao thủ đang cần hoàn thiện nâng cao mới đủ trình độ hiểu ra được.

    Sau đó, nhận thấy niềm đam mê nghiêm túc ở con, bố mẹ Cương Duy đồng ý cho theo học tennis; nhưng tiền học quá đắt, chỉ đủ cho một đứa đi học còn hai đứa khác phải ở nhà... Lần lượt Cương Duy được đầu tư học bài bản, đến lượt Thắng “khỉ” – phần vì mến sự chăm chỉ của những chú bé Châu Á ngày nào cũng cuốc bộ vài km đi xe bus đến học, không quản ngại cả những hôm trời tuyết giăng dầy vác theo cả xẻng xúc ra dọn sạch sân rồi tập, phần vì thấy khả năng phát triển của Thắng – thầy giáo người Đức, ông Schneider – bạn thân đồng thời là người đối luyện thường xuyên của một trong những huyền thoại quần vợt xuất sắc nhất của mọi thời đại, cựu số 1 thế giới Ivan Lendl – đã nhận đào tạo miễn phí.



    [IMG]

    [IMG]

    Chính quy hay tại chức?

    Rất khó để trả lời câu hỏi “tay trái hay tay phải” cho các tay vợt bán chuyên khi hỏi đến môn thể thao yêu thích của mình; thế nhưng có một thực tế chẳng mấy vui vẻ mà ai ai cũng phải thừa nhận, rằng thể thao vốn bạc với người chọn nó làm nghiệp, nuôi sống nó bằng những cách khác thì còn vui, chứ vin vào mà sống thì phần lớn sống trong nước mắt. Ghét nhất là dẫu đã biết mấy ai “văn võ song toàn”, nhưng vẫn chạnh lòng mỗi lúc người khác lấp lửng buông câu: “... tứ chi phát triển”.
    Thắng “khỉ” 15 tuổi từ Đức trở về VN, lập tức được tuyển thẳng vào tuyển trẻ sau khi tham dự giải thanh thiếu niên HN và có trận kịch chiến chung kết với tài năng trẻ HN Trần Đại Nghĩa (nay là Trưởng Bộ môn Quần vợt Sở TD TT HN). Tennis thì dễ rồi! “Bóng tây” dù là “tráng men” (dạy ít) thì vẫn mang hơi hướng tennis hiện đại, kiếm thành tích không phải là khó, nhưng học vấn thì quả là nan giải. Ngay tháng đầu hồi hương, Thắng “khỉ” đã rơi bõm vào ma trận học hành bối rối bởi nền giáo dục của Đức và VN hầu như “chẳng liên quan”. Đì đà đì đẹt mãi nhưng giận câu “tứ chi phát triển”, Thắng cố đeo bám chương trình bằng được, ba năm cấp III vừa đánh bóng vừa học mang lại giải 3 đôi nam U17 Quốc gia, và phiếu báo trượt ĐH Ngoại thương – thiếu 3 điểm.

    Thông thường, câu chuyện cổ tích đến đây hay tiếp diễn theo lối mòn, rằng đằng nào cũng “tạch” đại học, các tay vợt sẽ chuyên tâm đầu tư luyện tập đi theo con đường chuyên nghiệp thể thao. Thế nhưng với bản tính “lì” của con nhà bộ đội (ông nội là cựu Phó ban Công nghiệp Trung ương Nguyễn Trản, người được Bác Hồ xúc động trao tặng cái tên Vương Nhị Chi sau khi ông bị mất hai cánh tay trong quá trình sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu), Thắng “khỉ” quyết không buông. Kỳ báo điểm năm sau, cũng vẫn là Ngoại thương – trường ĐH khăn khó đối với bất cứ thí sinh nào, đứa con của làng quần vợt HN thênh thang bước vào với phiếu báo thừa 3 điểm.

    Cho đến tận bây giờ, khi đã là Phó phòng Đầu tư tài chính Cá nhân (Sở giao dịch Ngân hàng Techcombank), vẫn có những người lầm tưởng Thắng “khỉ” là dân “chân đen” chỉ sống bằng cách gắn bó với mặt sân và trái bóng. Giống y như năm 2006, khi tham gia giải Lạng Sơn mở rộng, có người đã hỏi Thắng với con mắt nghi ngờ: “Ô, đánh bóng hay vậy mà cũng học đại học á? Học tại chức chứ gì?”...

    Và với Thắng khỉ - lúc đó cũng như sau này – những ngày đêm miệt mài đèn sách thật sự là bõ công cho cái thời khắc để có thể trả lời dõng dạc: “Chính quy, tại sao phải là tại chức?”.
    Nói như vậy, không có nghĩa học tại chức, hoặc thiệt thòi không có điều kiện theo đuổi con đường học hành là yếm thế. Mỗi người có một số phận, một lối đi, và một sự lựa chọn của mình. Kể câu chuyện về Thắng “Khỉ” – tay vợt bán chuyên trẻ có học vấn và sự nghiệp (tính đến thời điểm hiện giờ) cao nhất miền bắc, chỉ là mua vui cho bạn đọc nghe chơi...

Chia sẻ trang này